Việt Nam tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (TTCI) năm 2017 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 67/136 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng, tăng 8 bậc so với năm 2015 (75/141).
Du lịch Việt Nam có nhiều triển vọng trong thời gian tới.
WEF xếp hạng TTCI định kỳ 2 năm một lần, dựa trên 4 yếu tố chính: Môi trường, chính sách, cơ sở hạ tầng, các nguồn tự nhiên và văn hóa cho ngành du lịch. Tất cả đều được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 7.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam đứng thứ 67/136, được 3.78 điểm, tăng 8 hạng (+8) so với năm 2015. Lần xếp hạng này, Việt Nam đã tiến bộ hơn, được xếp vào nửa trên, lấy mức trung bình là 68/136 so với năm ngoái nước ta ở nửa dưới, mức trung bình là 70/141, Việt Nam chỉ đạt 75/141. Việt Nam có cùng điểm số với Oman (đứng thứ 66/136) và Romania (đứng thứ 68/136).
Trong nhóm chỉ số về An ninh và an toàn, Việt Nam xếp thứ 57/136 (tăng 18 hạng so với 75/141). Chỉ số cao nhất chúng ta đạt được nhóm này là “Chỉ số của tỷ lệ khủng bố” xếp thứ 1/136. Về chỉ số thống kê hằng tháng chúng ta cũng đứng số 1 thế giới. Trong tình hình bất ổn an ninh đang gia tăng, tình trạng khủng bố xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và khu vực ASEAN nhưng với vị trí số 1, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và chính trị ổn định.
Tuy nhiên, trong nhóm “Sự cởi mở đối với quốc tế”, Việt Nam còn nhiều hạn chế, đứng thứ 73/136. Trong đó, “Tính mở cửa song phương vận chuyển hàng không” chúng ta xếp thứ 40, tăng 3 bậc; “Yêu cầu về thị thực nhập cảnh” xếp thứ 113/136 (tăng 6 bậc so với 119/141); thấp nhất là chỉ số “Thỏa thuận tự do thị thực” xếp thứ 116. Trong khi đó, các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia dù đối mặt với nhiều nguy cơ về an ninh nhưng những nước này vẫn duy trì chính sách thị thực nhập cảnh thông thoáng, đánh giá đúng những lợi ích mà ngành Du lịch mang lại cho quốc gia. Do đó, nếu Việt Nam không nâng cao được chỉ số “Yêu cầu về thị thực nhập cảnh” thì năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam khó có thể đuổi kịp các nước trong khu vực; khó có thể thu hút được khách ở những thị trường xa, khách đi nhiều nước, ở dài ngày và có chi tiêu cao như châu Âu, Bắc Mỹ. Hơn nữa, không đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, du lịch Việt Nam càng khó kết nối với các điểm đến trong khu vực, hạn chế khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhóm các chỉ số về nguồn nhân lực, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa Việt Nam được đánh giá có khả năng cạnh tranh cao khi nguồn nhân lực xếp thứ 37, tăng 18 bậc; tài nguyên tự nhiên đứng thứ 34 và tài nguyên văn hóa đứng thứ 30. Khả năng cạnh tranh giá của Việt Nam giảm 13 bậc, đứng thứ 35/136. Tuy nhiên, thứ hạng này vẫn thể hiện điểm đến Việt Nam có giá cả dịch vụ vừa phải, hợp túi tiền nhiều du khách và có khả năng thu hút khách trong tình hình kinh tế thế giới nói chung có nhiều khó khăn.
Việt Nam cũng được đánh giá là có những cải thiện lớn đối với khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Hiện nay trên 94% lãnh thổ đã được phủ tín hiệu 3G, việc sử dụng internet cá nhân tăng từ 44% lên 53% cho thấy công nghệ thông tin đang phát triển rất mạnh mẽ. Du lịch trực tuyến và tìm kiếm liên quan đến tài nguyên tự nhiên cũng ngày càng nhiều ở Việt Nam, đồng thời thúc đẩy được đầu tư, kinh doanh trong phát triển du lịch.
Nhóm các chỉ số về hạ tầng và môi trường của Việt Nam được đặc biệt lưu ý quan tâm khi phát triển. Trong đó cần tập trung vào tính bền vững môi trường vì chỉ số này được đánh giá rất kém, đứng thứ 129; mức phát thải xếp thứ 128; tính khắt khe về những quy định môi trường đứng thứ 115; xử lý nước hạng 107; tái trồng rừng xếp thứ 103.
Trong khu vực ASEAN, Singapore vẫn dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh, được 4.85 điểm nhưng đứng vị trí thứ 13/ 136, tụt 2 hạng so với 11/141 năm 2015; Malaysia đứng thứ 26 (tụt 1 hạng); Thái Lan vị trí thứ 34 (tăng 1 hạng); Indonesia vị trí thứ 42 (tăng 8 hạng). Việt Nam đứng trên Philippines, vị trí 79 (tụt 5 hạng); Lào đứng thứ 94 (tăng 2 hạng); Campuchia đứng thứ 101 (tăng 4 hạng).
Trung Quốc, nước láng giềng của Việt Nam, là nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới, thị trường du lịch lớn nhất thế giới xếp thứ 15, đạt 4.72 điểm (tăng 2 bậc).
Những chỉ số được nêu trong Báo cáo năng lực cạnh tranh về lữ hành và du lịch được công bố nêu trên có thể không hoàn toàn chính xác, chủ yếu mang tính tham khảo nhưng lại có tính tổng quan, được đánh giá khách quan và qua đó, ngành Du lịch Việt Nam cũng xác định được vị trí của mình so với thế giới và khu vực. Nhìn lại trong 2 năm qua so với những năm trước đã làm được những gì, có tiến bộ hơn không, kinh nghiệm của thế giới thế nào, cần điều chỉnh và khắc phục gì… Từ đó, xây dựng các chính sách, cơ chế, giải pháp, chiến lược phát triển cho phù hợp. Và nếu không nhanh chóng cải thiện chính sách và quy định liên quan đến phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, chấm dứt các thủ tục thị thực phiền hà; cải thiện hệ thống giao thông, mở cửa bầu trời, tăng cường xây dựng hạ tầng du lịch; thực thi nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản… thì chúng ta khó mà nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc tế, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
• Top 10 quốc gia có chỉ số TTCI cao nhất năm 2017 lần lượt là Tây Ban Nha đứng thứ nhất, 5.43 điểm (0); Pháp ở vị trí số 2, 5.32 điểm (0); Đức đứng thứ 3, 5.28 điểm (0); Nhật Bản thứ 4, 5.26 điểm (+5); Anh thứ 5, 5.20 điểm (0); Mỹ xuống vị trí 6, 5.12 điểm (-2); Úc đứng thứ 7, 5.10 điểm (0); Ý vẫn giữ vị trí 8, 4.99 điểm (0); Canada lên vị trí số 9, 4.97 điểm (+1); Thụy Sĩ tụt xuống thứ 10, 4.94 điểm (-4)
-NK Tổng hợp-
Bình luận